Khúc Cao sơn Lưu thủy Sự tích Bá Nha, Tử Kỳ

Khúc Cao sơn Lưu thủy (高山流水), một trong 10 bản nhạc lừng danh thuộc thập đại danh khúc cổ nhạc Trung Hoa về sau, gắn liền với câu chuyện về tình bạn tri kỷ và sự tương thông sâu sắc giữa Bá Nha và Tử Kỳ. Cao sơn Lưu thủy tương truyền là bản đàn Bá Nha sinh thời hay tấu, nhưng chỉ Tử Kỳ thụ cảm được. Điển tích "cao sơn" (núi cao) và "lưu thủy" (nước chảy) này được Liệt Ngự Khấu người nước Trịnh trong "Thang vấn" sách Liệt Tử đời Xuân Thu Chiến Quốc ghi lại rằng:

Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Chung Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Bá Nha chơi đàn, chí tại núi cao, Chung Tử Kỳ nói: "Hay thay! vời vợi tựa Thái sơn" (Thiện tại hồ cổ cầm, ngụy ngụy hồ nhược Thái sơn). Chí để nơi dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: "Hay thay! mênh mang như sông nước" (Thiện tại hồ cổ cầm, đãng đãng hồ nhược lưu thủy). Bất luận là chí tại cao sơn hay chí tại lưu thuỷ, Bá Nha trong mỗi khúc nhạc đều biểu hiện chủ đề hoặc tư tưởng của mình, nhờ đó Chung Tử Kỳ có thể lĩnh hội được ý tứ đó. Nghe nhạc vốn dĩ là cảm cái khúc ý mà người chơi gửi gắm, đạo lý này vốn dĩ đă có từ ngàn xưa vậy.

Một ngày, Bá Nha cùng Chung Tử Kỳ chơi núi Thái sơn, gặp trời mưa to, hai người dừng lại dưới một mỏm núi đá. Bá Nha trong tâm phiền muộn bèn tấu một khúc nhạc. Khúc nhạc ban đầu biểu hiện cảnh mưa rơi xuống một dòng suối trên núi, tiếp đó khúc nhạc mô phỏng âm thanh của nước lên cuồn cuộn cùng đất đá đổ nát. Mỗi khúc nhạc vừa hoàn thành, Chung Tử Kỳ đều ngay lập tức nói ngay được ý tứ mỗi bài. Bá Nha thấy thế bỏ đàn mà rằng: "Giỏi thay! Các hạ có thể nghe thấu cái chí thú trong khúc nhạc, ý của các hạ cũng là ý của ta vậy". Từ đó hai người trở thành một cặp nhân sinh tri kỷ mà đời sau vẫn ca ngợi.[1]

Lã thị Xuân Thu cũng kể lại câu chuyện Bá Nha, Tử Kỳ tương tự như Liệt Tử, nhưng khác chút về kết cục, rằng sau khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha quẳng đàn, dứt dây đến tận cuối đời không chơi đàn; từ đó trên nhân thế không có ai có thể gọi là cầm giả nữa.

Sau sách Liệt Tử và Lã thị Xuân Thu, đời Tây HánHàn Thi ngoại truyện, Hoài Nam Tử, Thuyết uyển; đời Đông HánPhong tục thông nghĩa, Cầm tháo, Âm phổ giải đề v.v. đều viện dẫn câu chuyện này.[1]